Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Nông dân trồng ngô đang bị nghèo hóa (Báo NN Việt Nam)

Ông Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô đã đưa ra những suy nghĩ liên quan đến hoàn cảnh của hàng ngàn, hàng vạn nông dân trồng ngô ở Sơn La phải gán đất đồng thời ông cũng định hướng cho việc phát triển ngô bền vững….
Nông dân trồng ngô đang bị nghèo hóa (Báo NN Việt Nam)

- Ông cảm thấy thế nào khi đọc loạt bài “Những hạt ngô máu” nói về hoàn cảnh khó khăn của người nông dân Sơn La? Tại miền Bắc chưa có nơi nào có điều kiện thuận lợi cho cây ngô phát triển như ở Sơn La nhưng lại chưa có ở đâu nông dân bị gán đất nhiều như ở tỉnh này? 
 

Tôi thấy ở đó đang có sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa thu nhập của người nông dân không tương xứng với cống hiến, đóng góp của họ đối với cây ngô. Mâu thuẫn giữa lợi ích nhóm giữa các chủ đầu tư với nông dân. Bản chất cuối cùng của vấn đề nông dân Sơn La mất đất là do thiếu vốn. Thiếu vốn phải ứng, thiếu vốn đầu tư nên phải vay nặng lãi từ đó đã dẫn đến nghèo hóa khi tư liệu sản xuất bị tước đoạt dần dần thông qua “đầu tư” từ các đại lý. Điều này phát triển đúng lo gic của thị trường nhưng chúng ta không thấy có sự tác động mạnh mẽ của các cấp quản lý, vai trò của các tổ chức dịch vụ công như HTX, hiệp hội, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân. Đây là lỗ hổng rất lớn cần phải khắc phục. Lỗi một phần do chính quyền sở tại thậm chí họ còn đứng ra làm chứng cho việc chuyển nhượng, bàn giao gán đất này. Nếu như chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì quá trình này càng ngày càng trầm trọng thêm, đẩy người dân đến bước đường cùng. Phải khẩn thiết yêu cầu nhà nước có chính sách can thiệp. 10 năm trước nông dân Sơn La giàu lên vì ngô nay đang nghèo đi cũng vì ngô. Bản thân cây ngô không hề có tội mà về tổng thể còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tôi chưa có con số cụ thể nhưng ước đoán cây ngô lai cũng đóng góp vào thu nhập của địa phương khoảng 30-35%. Lỗi ở chỗ chúng ta nhiều năm đã bỏ trống khu vực dịch vụ công, tạo khoảng trống để thương lái làm thay vai trò của các tổ chức dịch vụ công. Nay cần tổ chức lại để cung ứng giống, vật tư, vốn cho bà con trồng ngô. Không phải chỉ cây ngô mà còn các cây trồng khác. Tôi nhấn mạnh rằng nếu không sớm làm được điều này thì nông dân Sơn La sẽ bị bần cùng hóa đến cùng cực thông qua việc mất tất cả tư liệu sản xuất đặc biệt là đất nông nghiệp.

 

665x794 14 59 58 dsc 5717
TS. Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Ngô

- Theo ông tính pháp lý của những giấy tờ gán đất này có không? Việc đầu tư của các ông chủ với nông dân liệu có phải là cho vay nặng lãi? 
 

Vấn đề này cần phải có sự góp sức của các cơ quan pháp luật để làm sáng tỏ tính hợp pháp và phi pháp của các hiện tượng trên.

- Theo số liệu của hải quan, năm 2015 Việt Nam nhập 8,5 triệu tấn ngô (248 công ty và nhà máy chế biến thức ăn gia súc). Năm 2016, theo số liệu của Bộ NN-PTNT hết tháng 8 đã nhập về 4,2 triệu tấn ngô nhưng thực tế có thể còn cao hơn. Các đơn vị được nhập ngô một cách thoải mái, ai nhập cũng được với thuế VAT 0%, thuế nhập chỉ 5%, nên năm 2015 có 248 công ty tham gia thì năm nay còn tăng thêm hơn 100 cty nữa. Sản xuất ngô trong nước đang rất khó khăn (cả nước chỉ còn chưa đến 633 ngàn ha ngô so với 1,1 triệu ha 5 năm trước). Nhìn sang các nước xung quanh, chẳng có quốc gia nào như ta khi họ đều bảo hộ ngô trong nước bằng những chính sách khá hợp lý. Ví dụ nếu nhập nhiều sẽ bị đánh thuế cao. Bình luận của ông như thế nào?
 

Chúng ta phải nghiên cứu lại chính sách thuế và một số chính sách khác khuyến khích sản xuất để giảm chi phí và tăng giá trị ngô nội địa, ví dụ như chính sách tăng thuế nhập khẩu. Giá ngô nhập hiện nay xung quanh 5.200đ/kg tức tương đương với giá thành sản xuất của ngô trong nước, người nông dân trồng ngô đang không có lãi nên họ không trồng. Phải làm sao tăng được giá ngô nội địa lên ít nhất 15% tức 6.000đ/kg thì người nông dân mới lãi được 20%. Chúng ta đang quá dễ dãi với việc nhập khẩu, nhà nước gần như thả nổi, không can thiệp vì thuế VAT trước có mà nay đã bỏ là không ổn. Còn nói hội nhập phải bình đẳng nhưng tại sao các nước trong khu vực nhập ngô mà vẫn đảm bảo được nền sản xuất trong nước?

- Có ý kiến cho rằng chúng ta nên hi sinh 1 triệu hộ trồng ngô để 11 triệu hộ chăn nuôi được mua thức ăn gia súc với giá rẻ?
 

Tôi trả lời ngay rằng dù các doanh nghiệp nhập ngô giá rẻ nhưng người chăn nuôi vẫn phải mua thức ăn gia súc với giá đắt. Lợi nhuận các nhà chế biến thức ăn gia súc được hưởng chứ không phải là người chăn nuôi. Theo tôi chúng ta không thể hi sinh 1 triệu hộ trồng ngô vì đó là loại cây trồng đem lại thu nhập chủ yếu cho đồng bào miền núi. Không trồng ngô thì trồng cây gì? Chúng ta đã có nhiều bài học trồng chặt và cuối cùng vẫn phải trồng ngô và không phải vùng nào cũng chuyển dịch được từ cây ngô sang cây khác. Vực lại cây ngô thì có hai bài toán. Nếu duy trì 1 triệu ha ngô cần phải có chính sách bảo hộ. Nếu chúng ta chấp nhận hi sinh cây ngô thì phải tìm cây trồng khác thay thế để tạo kế sinh nhai cho 1 triệu hộ nông dân và xuất khẩu được sản phẩm thu ngoại tệ về mua ngô nhập khẩu. Bài toán thứ nhất nhà nước có thể giải được còn bài toán thứ hai rất nan giải. Vậy chúng ta phải chọn bài toán nào?

- Để khắc phục một phần khó khăn của người trồng ngô, theo ông, trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì? Làm sao để phát triển ngô một cách bền vững? 
 

Tôi đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất là chúng ta nên chuyển diện tích trồng ngô, không nhất thiết phải giữ nguyên 1,1 triệu ha ngô mà có thể chấp nhận mất một phần diện tích. Chỉ trồng ngô ở những vùng trọng điểm, có điều kiện thuận lợi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng chứ không trồng ở những vùng có năng suất quá thấp, chỉ đạt 1-2 tấn/ha. Thứ hai là tập trung nghiên cứu theo hai định hướng. Định hướng một giảm tối đa chi phí sản xuất gồm giảm giá thành sản xuất hạt lai F1 trên cơ sở tăng năng suất dòng bố mẹ, giảm giá giống cho nông dân; Tạo giống chịu đạm thấp (bón ít đạm) phù hợp với điều kiện quảng canh của miền núi mà năng suất vẫn đảm bảo; Tăng tính chống chịu của giống để bảo tồn năng suất tiềm năng; Tăng tỷ lệ cơ giới hóa. Định hướng hai là tăng giá trị của ngô nội trên cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị, ngoài mục đích lấy hạt còn tận dụng làm thức ăn chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng ngô hạt. Vì hàng nhập khẩu toàn loại 1 trong khi ngô nội chỉ loại 2, loại 3, giá bán bao giờ cũng thấp hơn.

Xin cảm ơn ông!...

Tác giả bài viết: LÊ BỀN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây