"Người đẹp" miền sơn cước - Giống ngô lai đơn LVN885

Thứ tư - 21/08/2013 03:22
"Định vị" cho vùng núi cao, hạn hán, đất nghèo dinh dưỡng, LVN 885 là một trong những giống ngô lai ngắn ngày nhất hiện nay cho năng suất khá và phổ thích nghi rộng…
"Người đẹp" miền sơn cước - Giống ngô lai đơn LVN885

Ở vùng Đông Bắc, nông dân có thói quen trồng ngô 2 vụ trong năm nên họ phải căn ke thời gian rất khắt khe, từng ngày đều rất quý. Chính vì thế với TGST cực ngắn, chỉ 90 - 95 ngày, LVN 885 đã được nhiều bà con chọn lựa.

Ngoài đặc điểm sinh trưởng siêu ngắn, LVN 885 còn thấp cây, chống đổ ngã tốt khi trồng trên đồi cao, phổ thích nghi rộng, hạt dạng bán đá (ít mọt hơn dạng răng ngựa) lá bi kín nên đến mùa vụ thu hoạch nếu gặp mưa vẫn để “treo đèn” trên nương rẫy trong một thời gian dài đợi trời nắng ráo. Vượt lên trên tất cả, LVN 885 được ví như "người đẹp" của miền sơn cước vì chịu đất bạc màu, đầu tư thấp nhưng vẫn đạt năng suất 7 - 9 tấn/ha.

Vụ thu đông 2012, Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái đã phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô xây dựng mô hình trình diễn giống ngô lai LVN 885 ở các xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên; xã Yên Hợp, huyện Văn Yên với quy mô mỗi điểm 0,5 ha. Kết quả, LVN 885 có TGST ngắn hơn đối chứng 8 - 10 ngày, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá, chịu hạn và chống đổ tốt, năng suất tương đương so với đối chứng.

Vụ xuân hè 2013, Trung tâm lại tiếp tục phối hợp xây dựng mô hình trình diễn ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (mỗi điểm 0,5 ha) và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn 1 ha.

Tại huyện Văn Chấn, thời tiết vụ này diễn biến khá phức tạp, không thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây ngô. Thời kỳ cây con khô hạn kéo dài, giai đoạn trỗ cờ phun râu nắng nóng nhiều, lượng mưa ít nhưng giai đoạn cuối vụ lại mưa nhiều. Qua SX, LVN 885 có TGST ngắn hơn tất cả các giống cùng trà. Màu sắc lá xanh bền đến cuối vụ, thời gian chuẩn bị thu hoạch lá vẫn xanh nên có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Tốc độ sinh trưởng của cây nhanh, khỏe, đồng đều cao, thời gian trỗ cờ phun râu tập trung 4 - 5 ngày đã trỗ xong. Lá bi bao kín bắp nên có thể chống được mối mọt và thối mốc trên đồng ruộng. Hạt đóng múp đầu trái, rất sâu cay, lõi nhỏ, tỷ lệ hạt/bắp cao, màu sắc hạt vàng cam, năng suất thực thu ước đạt 76 tạ/ha, tương đương các giống trồng cùng trà.

Về khả năng chống chịu, LVN 885 bị sâu đục thân, sâu đục bắp và bệnh khô vằn hại ở mức độ rất nhẹ không ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển và năng suất thực thu. Chịu hạn và chống đổ tốt, tỏ ra phù hợp đất đồi, đất nghèo dinh dưỡng.

Trong các cuộc họp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới đây ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều chung nhận định sẽ phát triển ngô, đậu tương và rau màu, trong đó ngô là cây chính. Bởi dù trong giai đoạn cụ thể, ngô có thể có giá trị kinh tế kém nhưng phát triển khá bền vững và đầu ra tốt. Chưa bao giờ VN thừa ngô và hiện tại mỗi năm chúng ta đang nhập 1,1 - 1,6 triệu tấn.

Trong các vùng chuyển đổi chính của cả nước sắp tới, thích hợp cho cây ngô nhất là trung du miền núi phía Bắc với diện tích khoảng 60.000 ha đất bỏ hoang 1 vụ hoặc đất cho vụ thu đông. Để đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi, Viện Nghiên cứu ngô đã có những bộ giống như LVN 4 cho vùng đồng bằng, LVN 99 cho vùng trung du, LVN 885 cho vùng miền núi; LVN 66 cho Tây Nguyên và miền núi phía Bắc; LVN 146 cho đất 2 lúa vụ đông ở đồng bằng Bắc bộ và Tây Nguyên…
 

Với lợi thế tất cả đều là giống ngô bản quyền được SX trong nước nên giá thành hợp lý hơn giống ngoại, sẽ giảm được chi phí đầu vào và đem lại hiệu quả khá cho nông dân. Hiện đội ngũ nhà khoa học của Viện nỗ lực tìm giống ngô năng suất và chịu phèn cho nhu cầu chuyển đổi ở ĐBSCL, dự kiến sang năm 2014 sẽ có.

Tác giả bài viết: Vân Đình

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây