Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Đi tìm 'cuộc cách mạng lần thứ hai' cho cây ngô

Ngô sinh khối, ngô thực phẩm sẽ là hướng đi mới khi sản xuất ngô lấy hạt của Việt Nam không còn cửa cạnh tranh trước cơn lốc ngô nhập khẩu giá rẻ.
Đi tìm 'cuộc cách mạng lần thứ hai' cho cây ngô
img 5895 1720 20200525 752 083115
Trồng ngô lấy hạt ngày càng khó khăn do sự cạnh tranh của ngô nhập khẩu giá rẻ. Ảnh: Lê Bền.

Sản xuất ngô, đặc biệt là ngô lai lấy hạt của nước ta đã có thời hưng thịnh, với tổng diện tích cả nước có thời điểm được nâng lên gần 1 triệu ha.

Cây ngô đã đóng vai trò cứu cánh, xóa đói nghèo cho nông dân trong một giai đoạn dài, nhất là các vùng miền núi, đồng thời đóng góp không nhỏ làm vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên trước cơn lốc ngô nhập khẩu từ các nước có chi phí rất thấp như Mỹ, Argentina, Brazil..., với giá ngô nhập khẩu về cảng tại Việt Nam hiện chỉ dao động từ 5-6 nghìn đồng/kg.

Với giá này, sản xuất ngô của nước ta những năm qua không còn sức cạnh tranh về giá thành sản xuất, theo đó ngày càng tụt mạnh về diện tích.

Theo tính toán, tổng diện tích ngô trên thực tế của nước ta hiện nay chỉ còn dao động xoay quanh khoảng 600 nghìn ha, và đang tiếp tục giảm sâu.
 

Nghịch lí “có đồng nhưng không có cỏ”

Có thể nói, sứ mệnh của trồng ngô lấy hạt của nước ta đã gần như khép lại. Viện Nghiên cứu Ngô, từng là lá cờ đầu trong các đơn vị nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhưng cùng với sự đi xuống của cây ngô, những năm qua luôn chật vật trong việc tìm lối đi.

Câu hỏi đang đặt ra, đó là có nên tiếp tục cố để sản xuất và cạnh tranh với ngô nhập khẩu? Đó rõ ràng là sự lựa chọn thiếu khôn ngoan và bất khả thi đối với sản xuất ngô của nước ta.

Nhưng lối đi nào cho sản xuất ngô trong giai đoạn tới, lệu sản xuất ngô có bị xóa sổ trong nay mai? Đây là những câu hỏi đang đặt ra cho sản xuất ngô của Việt Nam, nhất là các đơn vị có bề dày gắn bó với nghiên cứu cây ngô như Viện Nghiên cứu Ngô.

Làm việc với Viện Nghiên cứu Ngô mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Với đặc thù đất đai manh mún, giá thành sản xuất cao, trồng ngô lấy hạt của Việt Nam rõ ràng không phải là một lợi thế, nhất là trong bối cảnh cây trồng này đang chịu sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng khác có giá trị cao hơn như cây ăn quả, rau...

Vì vậy, hướng đi cho sản xuất ngô Việt Nam trong giai đoạn tới, đó chính là ngô sinh khối và ngô thực phẩm.

dscf7717 1720 20200525 433 083121
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ ba từ trái sang) thăm một số giống ngô sinh khối có triển vọng của Viện Nghiên cứu ngô. Ảnh: Lê Bền.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay, trong khi chăn nuôi lợn và gia cẩm của nước ta liên tục biến động, thì chăn nuôi đại gia súc lại khá ổn định về thị trường. Đặc biệt trong cơ cấu tiêu dùng thịt, tỉ lệ thịt đại gia súc (bò, trâu) vẫn còn bé so với thịt lợn và gia cầm. Mỗi năm, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu một lượng lớn thịt đại gia súc, nhất là thịt bò. Vì vậy, dư địa cho chăn nuôi đại gia súc của nước ta còn rất lớn.

Trong khi đó, một trong những yêu cầu tiên quyết để chăn nuôi đại gia súc, đó là phải có đồng cỏ, phục vụ nguồn thức ăn thô xanh, đây là điều mà các quốc gia có thế mạnh về đồng cỏ tự nhiên có nhiều lợi thế về chăn thả.

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay lại “có đồng mà không có cỏ”, bởi đặc thù đất chật người đông, đồng ruộng nước ta lại sản xuất chủ yếu là lúa nước.

Những năm gần đây, trước nhu cầu về thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt, tại nhiều địa phương trên cả nước đã hình thành các vùng chuyên trồng ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi, đặc biệt là các vùng vệ tinh về chăn nuôi bò sữa tập trung như Mộc Châu (Sơn La), nhiều nơi ở ngoại thành TP. HCM, Lâm Đồng, Thanh Hóa...

Bên cạnh đó tại các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh vùng ĐBSH đã bước đầu hình thành phong trào sản xuất ngô đông sinh khối phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, kể từ khi phong trào sản xuất vụ đông bị thu hẹp về quy mô, một diện tích đất ruộng đã bị bỏ hoang trong vụ đông trong nhiều tháng liền, vô cùng lãng phí...

Nếu như trồng ngô lấy hạt trong vụ đông, cần phải xuống giống sớm (trước 30/9 hàng năm), nhưng ngô sinh khối thì không chịu áp lực về thời vụ, có thể trồng và sinh trưởng tốt trong cả điều kiện thời tiết lạnh của vụ đông ở miền Bắc. Đây sẽ là những yếu tố về dư địa vô cùng lớn để đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông.

Ba hướng đột phá mới cho cây ngô

TS Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu  Ngô khẳng định: Mặc dù những năm gần đây, sản xuất ngô ngày càng thu hẹp đã khiến hoạt động của Viện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Ngô vẫn sẽ kiên định lấy cây ngô là đối tượng chính trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ra sản xuất.
 

dscf2558 1719 20200525 755 083126
Tiềm năng ngô sinh khối trong vụ đông tại phía Bắc còn vô cùng lớn. Ảnh: Lê Bền.

Theo đó, Viện đã xác định ba hướng đi cho cây ngô trong giai đoạn tới. Một là tiếp tục đầu tư sâu hơn nữa cho việc nghiên cứu chọn tạo các giống ngô lấy hạt theo hướng năng suất, sức chống chịu tốt.

Bởi hiện nay, mặc dù cây ngô lấy hạt đang thoái trào, song diện tích trên thực tế vẫn còn lớn (khoảng trên 600 nghìn ha cả nước). Do vậy, nhu cầu cung ứng giống ngô cho các khu vực đặc thù, còn có nhu cầu về sản xuất ngô lấy hạt vẫn còn lớn...

Thứ hai, đó là tiến xa hơn một bước bằng việc hợp tác quốc tế, khai thác thị trường ngô giống tại nước ngoài.

Theo đó, hiện Viện Nghiên cứu ngô đã tranh thủ được các chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Cuba, đã xuất khẩu được các lô giống ngô lai F1 sang thị trường Cu-ba và đang tiếp tục nhận được các đơn hàng ở thị trường này. Viện cũng đang xúc tiến hợp tác với các đối tác của Myanmar nhằm tiến tới trực tiếp đầu tư trung tâm nghiên cứu – chuyển giao giống ngô ngay tại Cu-ba....

Bên cạnh đó, Viện cũng đã xúc tiến hợp tác nhằm tiến tới phân phối giống ngô lai F1 tại thị trường Quảng Tây (Trung Quốc).

“Đây là thị trường có nhu cầu giống ngô rất lớn, chỉ một huyện cũng có nhu cầu lớn bằng cả các tỉnh phía Bắc của nước ta. Nếu không có dịch Covid-19, thời gian qua đã có các lô hàng xuất khẩu sang thị trường này” – TS Bùi Mạnh Cường tiết lộ.

Hướng đi thứ ba cho cây ngô, đó là tập trung cho việc nghiên cứu, chọn tạo, hợp tác chuyển giao và sản xuất đối với hai mũi nhọn là ngô sinh khối và ngô thực phẩm.

Theo đó hiện nay, Viện Nghiên cứu Ngô đã có các bộ giống ngô có đặc tính, chất lượng tốt chuyên sản xuất sinh khối cho chăn nuôi. Viện cũng đã có các bước hợp tác với các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại Việt Nam như TH True Milk, Hòa Phát..., đồng thời hợp tác với một số doanh nghiệp chuyên chế biến ngô sinh khối xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đối với hướng ngô thực phẩm, Viện cũng đã sở hữu bộ giống ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau có chất lượng, năng suất cao và xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp lớn về chế biến, xuất khẩu mặt hàng rau quả xuất khẩu nhằm hợp tác chuyển giao về giống trên diện rộng...

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, vụ đông năm 2020, Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương sẽ sớm xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất nhằm tạo ra một bước đột phá cho sản xuất ngô sinh khối, trên cơ sở phát huy thế mạnh về quỹ đất trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Viện Nghiên cứu ngô đầu tư sâu hơn nữa về hạ tầng nghiên cứu, cũng như các đề tài, chương trình nghiên cứu một cách bài bản, gắn với gói kỹ thuật từ tiến bộ về ngô sinh khối, tới quy trình sản xuất ngô sinh khối thâm canh, quy trình chế biến ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc, gắn với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu...

Lê Bền

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây