Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Giống ngô TM181: Lấy hạt rất tốt, lấy sinh khối cũng hay!

CAO BẰNG - Giống ngô TM181 được Viện Nghiên cứu Ngô trồng thử tại xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng vào vụ thu đông, nhưng năng suất và chất lượng không kém ngô chính vụ.

Năng suất hạt và sinh khối đều vượt trội

Ngô là một trong những cây trồng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng, thể hiện bằng số liệu về diện tích trồng ngô năm 2021 lên đến 41.300ha. Riêng huyện Thạch An có diện tích gần 15.000ha (sản lượng đạt hơn 106 nghìn tấn). Cây ngô đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu làm lương thực, chế biến, đặc biệt phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Với mục tiêu tăng giá trị của cây ngô tại tỉnh Cao Bằng, vụ thu đông 2022, Viện Nghiên cứu Ngô kết hợp với UBND huyện Thạch An đã trình diễn mô hình giống ngô TM181. Xã Lê Lai của huyện Thạch An được chọn làm thí điểm, bởi địa phương luôn làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã Lê Lai có diện tích trồng ngô rất lớn, đạt 1.430ha/năm (ngô vụ xuân chiếm 60%, khoảng 800ha)

 

Ruộng ngô TM181 cho năng suất cao dù được trồng vào vụ thu đông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ruộng ngô TM181 cho năng suất cao dù được trồng vào vụ thu đông. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Ngô phối hợp với khuyến nông viên của xã Lê Lai chỉ đạo thực hiện mô hình, hướng dẫn kỹ thuật trước thời vụ gieo trồng, trước khi thu hoạch tổ chức đánh giá và giới thiệu giống mới. Thời gian gieo hạt được thực hiện từ ngày 12 - 14/8/2022 với mật độ 55.000 cây/ha, hàng cách hàng 65cm; cây cách cây từ 27 - 30cm. Kết hợp bón phân với làm cỏ, vun gốc, tưới nước, đảm bảo ruộng đủ ẩm (75 - 80%), đặc biệt là giai đoạn trỗ cờ và phun râu.

Thời tiết vụ thu đông năm nay nhiệt độ khá ổn định (bình quân 28 - 30 độ C), tuy nhiên mưa nhiều thành từng đợt kéo dài đã ảnh hưởng tới phát triển của cây ngô giai đoạn cây con, khó khăn trong xới xáo đất, chăm bón. Song thực tế đồng ruộng cho thấy, cây ngô TM181 vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, thân lá xanh bền, bắp to dài, kết hạt tốt. Khi trưởng thành, cây ngô TM181 có hình thức đẹp, cao, bộ lá gọn, xanh bền. Chiều cao cây 205 - 210cm, cao bắp 100 - 105cm; có khả năng chống đổ khá tốt, chống chịu với một số sâu bệnh chính như bênh thối thân, rỉ sắt.

Đến khi thu hoach, bắp ngô TM181 có 14 hàng hạt, bắp to dài, kết hạt tốt, chiều dài bắp đạt trung bình 18 - 19cm. Năng suất hạt dự kiến đạt 9,38 tấn/ha; năng suất sinh khối đạt 44,94 tấn/ha, tương đương với giống NK7328 (44,44 tấn/ha), cao hơn một số giống khác đang trồng trên địa phương. Qua đánh giá, giống TM181 có năng suất cao cả cho lấy hạt và sinh khối.

Bắp ngô TM181 có 14 hàng hạt, bắp to dài, kết hạt tốt, chiều dài bắp đạt trung bình 18 - 19 cm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bắp ngô TM181 có 14 hàng hạt, bắp to dài, kết hạt tốt, chiều dài bắp đạt trung bình 18 - 19cm. Ảnh: Toán Nguyễn.

Như vậy, giống ngô mới TM181 có thời gian sinh trưởng trung bình tương đương giống CP511, sớm hơn giống NK7328 (2 - 4 ngày). TM181 sinh trưởng, phát triển khỏe, thanh lá xanh bền. Hình thái cây và bắp đẹp, có khả năng chống đổ tốt, chống chịu được với một số sâu bệnh chính. Giống TM181 phù hợp cho sản xuất lấy hạt (9,38 tấn/ha), đồng thời cũng phù hợp cho thu hoạch ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc.

Thông qua xây dựng mô hình sản xuất ngô, đã giúp các hộ dân nắm được tình hình sản xuất và nhu cầu về ngô tại địa phương, trên cơ sở đó đã tiếp cận được giống ngô TM181 mới có khả năng cho năng suất hạt cao, đồng thời cho năng suất sinh khối lớn, đáp ứng tính chủ động trong việc cung cấp ngô hạt nguyên liệu và thức ăn cho chăn nuôi tại địa phương, là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất ngô.

Trồng trái vụ không kém vụ chính

Sau một vụ ngô được trồng thử thành công tại xã Lê Lai, Viện Nghiên cứu Ngô đã cùng với huyện Thạch An, UBND xã Lê Lai tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện “Mô hình trình diễn giống ngô TM181 và một số giống ngô mới của Viện Nghiên cứu Ngô”. Chương trình có sự tham gia của những hộ dân tham gia trồng thử nghiệm, cùng với đại diện cơ quan chuyên môn của tỉnh Cao Bằng, đại diện các doanh nghiệp.

Bà Nông Thị Hoa, người đã tham gia trồng thử nghiệm giống ngô TM181 cho biết: "Ngô trồng vụ 2 (vụ thu đông, từ tháng 8 - 12) ở Cao Bằng nói chung thường có năng suất, hiệu quả không tốt như vụ xuân (tháng 2 - 6). Nhưng giống TM181 qua trồng vụ đầu tiên thấy vẫn tốt không kém gì cây ngô khác trồng ở vụ xuân, cây cao, bắp to dài, hạt chắc, đặc biệt gần thu hoạch mà lá vẫn xanh bền. Vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng giống ngô này".

3

Đại biểu tham quan mô hình trầm trồ với giống ngô TM181. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo ông Nông Ngọc Thiết, Phó Chủ tịch xã Lê Lai: Lê Lai là một trong những xã có diện tích ngô lớn của huyện Thạch An với khoảng hơn 2.000ha/năm, riêng vụ 2 (vụ thu đông) năm 2022, xã triển khai hơn 300ha. Cây ngô ở Lê Lai chủ yếu phục vụ chăn nuôi tại chỗ như nuôi lợn, gà, thân lá cho chăn nuôi trâu bò, một phần dân chế biến làm lương thực, hay nấu rượu.

"Vụ thu đông năm nay, được Viện Nghiên cứu Ngô triển khai trình diễn giống TM181, kết quả thể hiện rất tốt trên đồng ruộng của địa phương, cây to, khỏe, lá xanh từ gốc đến ngọn, bắp khá to dài. Đề nghị Viện cung cấp giống để mở rộng diện tích cho vụ xuân 2023 tới và những vụ tiếp theo", ông Thiết đề nghị.

Ông Luân Việt Quân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch An nhận xét, vụ thu đông thường ngô không được tốt như vụ xuân, nhưng với TM181 cây to khỏe, bắp kết hạt tốt. Đặc biệt thân lá xanh bền nên ngoài việc năng suất hạt cao, còn phục vụ tốt cho chăn nuôi trâu bò trong mùa đông. Đánh giá giống TM181 rất phù hợp với điều kiện tại huyện Thạch An, Trung tâm mong muốn được phối hợp triển khai rộng TM181 đến các xã khác trồng ngô ngay trong vụ xuân 2023 và những vụ tiếp theo.

4

Nông dân xã Lê Lai và cơ quan chuyên môn của huyện Thạch An mong muốn tiếp tục đưa giống ngô TM181 vào sản xuất. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Thế Ngọc với hơn 30 năm trong nghề làm giống, vật tư nông nghiệp cũng đã gắn bó với nhiều giống ngô của Viện Nghiên cứu Ngô đánh giá: "Giống ngô nội chất lượng tốt, giá giống hợp lý, đặc biệt phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, năng suất tương đương với các giống nước ngoài. Với giống ngô TM181, qua thực tế cũng nhận thấy phát triển rất tốt trong vụ thu đông, cây to khỏe, tốt không kém gì so với vụ xuân. Công ty chúng tôi đăng ký phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngô vẫn tập trung phát triển giống của Viện, đặc biệt là giống ngô mới TM181".

TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô thông tin: Trải qua 51 năm xây dựng và phát triển, Viện đã nghiên cứu và chọn tạo thành công hơn 100 giống ngô các loại (ngô tẻ, ngô nếp, ngô ngọt, ngô bao tử, ngô rau).                                                     
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Viện đã phối hợp với một số doanh nghiệp phát triển hơn 12 giống ngô lai phục vụ sản xuất. Giống ngô TM181 là một trong những giống ngô mới của Viện. TM181 được trồng thử nhiệm nhiều vùng sinh thái khác nhau, thể hiện khả năng chịu hạn, chống chịu tốt với một số sâu bệnh chính, cho năng suất ổn định và đã được công nhận lưu hành.
"Với TM181 được trồng tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng trong vụ thu đông 2022, vẫn thể hiện được khả năng thích ứng của giống, cây khỏe, bộ lá xanh bền. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tại địa bàn trong vụ tới và những vùng lân cận", TS Thắng cho biết.

Tác giả bài viết: Toán Nguyễn

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây