Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Hội thảo tổng kết công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2020-2025

Theo Quyết định số 121/QĐ-VNCN-KH ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2020 tại Viện Nghiên cứu Ngô đã tổ chức buổi Hội thảo: Tổng kết công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2020-2025.
Hội thảo tổng kết công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2020-2025
Về dự họp có các đồng chí trong Ban lãnh đạo Viện, các thành viên hội đồng khoa học Viện, Trưởng các đơn vị trực thuộc Viện, Ban lãnh đạo Trung tâm Chuyển giao TBKT Ngô và Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô sông Bôi, Đại diện Trạm Nghiên cứu và CGTBKT ngô vùng Tây Bắc, vùng Bắc Trung Bộ; Đại diện Công ty CP đầu tư phát triển giống Ngô Việt Nam và toàn thể các cán bộ nghiên cứu trong toàn Viện. 
Sau khi nghe Báo cáo đề dẫn của Phòng Khoa học và HTQT; 8 Bộ môn và phòng trực thuộc Viện, 2 Trung tâm, 2 Trạm và ý kiến của các đồng chí tham gia hội thảo, ý kiến của các đồng chí trong Ban lãnh đạo Viện, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng - Chủ tịch hội đồng khoa học Viện đã có một số kết luận như sau: 
I - Đánh giá chung các kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện giai đoạn 2015-2019:
1. Qua tổng hợp báo cáo của Phòng khoa học và HTQT và ý kiến tham luận của các đơn vị cho thấy:
- Giai đoạn 2015-2019 về công tác nghiên cứu khoa học Viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đánh giá về kết quả nghiên cứu ngô lai cho thấy đây là giai đoạn đạt được nhiều thành tựu nhất. Viện đã hoàn thiện được nhiều vấn đề nghiên cứu về ngô lai nhất. Giai đoạn 2000-2010 Viện có một vài giống được công nhận, giai đoạn 2010-2015 Viện có 18 giống được công nhận, đến giai đoạn 2015-2019 có 39 giống đã được công nhận.
- Các giống tạo ra có sự tiến bộ về mặt chất lượng, khả năng thích ứng, phát triển và khả năng chống chịu khá hơn.
- Đa dạng hóa được sản phẩm: Giống ngô nếp, ngô đường đạt được một số thành tựu về khối lượng, chất lượng và khả năng ứng dụng. Tuy nhiên còn hạn chế về vật liệu, hạn chế về thời gian...
2. Công nghệ sinh học đã có những thành tựu nhất định, ghi được dấu ấn và công nhận sự đóng góp của CNSH trong công tác chọn tạo giống hiện nay của Viện: Viện vững tin về về cơ sở vật chất, về công nghệ trong công tác nghiên cứu giai đoạn tới... Các đơn vị cần tranh thủ các thành tựu của thế giới để áp dụng trong công tác chọn tạo giống hiện nay của Viện.
- Ngoài ra Viện đã làm chủ được một số công nghệ mới Inducer, công nghệ ADN (công nghệ chuyển gen), công nghệ tế bào (nuôi cấy bao phấn, nuôi cấy phôi non phục vụ chuyển gen ) ...
3. Giai đoạn 2015-2019 khả năng áp dụng các giống của Viện trong sản xuất có sự tăng trưởng: Khả năng áp dụng trong sản xuất các giống của Viện hiện nay không phải là không thương mại được mà là do thị phần suy giảm.
Tuy nhiên thị phần các giống của Viện trong sản xuất theo tổng kết của nước ngoài vẫn chiếm 22,1%, chỉ đứng thứ 3 sau Công ty CP (25,8%) và Syngenta (26,6%).
II - Những tồn tại, hạn chế trong công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019:
1. Nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019 chưa chú trọng nghiên cứu cơ bản: Muốn tạo được giống tốt thì nghiên cứu cơ bản phải đi trước một bước.
2. Mặc dù vật liệu đã được cải tiến tuy nhiên vẫn chưa tạo ra được sự đột phá: do sử dụng vật liệu cấp 2, sử dụng từ các giống lai được phóng thích ra sản xuất. Đã bỏ qua bước tái tạo lại vật liệu ban đầu nên một số tính trạng tác động gen bị mất trong quá trình chọn lọc...
Kết quả chọn tạo giống mới phụ thuộc: vật liệu ban đầu, thời gian, kinh phí và tư duy của nhà chọn tạo giống.
3. Nguồn nhân lực: Đây là thời kỳ chuyển giao, thế hệ có kinh nghiệm chuyên môn sâu thì về hưu, thế hệ trẻ thì thực sự đảm đương được công việc chuyên môn do vậy nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị thiếu hụt cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.
4. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu: Cần được đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp, bổ sung trong những năm tới để tương xứng với tầm cỡ của Viện nghiên cứu.
III - Một số khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020-2025:
1. Về kinh phí nghiên cứu: theo báo cáo năm 2023 kinh phí nghiên cứu của Viện còn khoảng 700 triệu. Giai đoạn tới Viện cố gắng bổ sung 3-4 nhiệm vụ, kinh phí nghiên cứu mỗi năm 4-5 tỷ.
2. Nguồn nhân lực: Các đồng chí cán bộ trẻ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và tự đào tạo hoàn thiện bản thân.
3. Diện tích ngô đang trên đà suy giảm, sẽ không dừng lại ở con số 650 nghìn ha. sẽ tiếp tục suy giảm vì trong cơ cấu cây trồng hiện nay có nhiều cây có giá trị hơn, cuộc sống của người dân được nâng cao. Cây ngô chỉ còn tồn tại ở những vùng sâu vùng xa, vùng mà không trồng được cây nào khác... Cần tìm ra một hướng khác ngoài cây ngô trong giai đoạn tới.
IV -  Định hướng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2025:
A. Định hướng đột phá:
1. Đột phá về thay đổi cơ chế quản lý: để giải phóng sức lao động, giải phóng sức ì, từ đó tạo ra được sự năng động, sáng tạo cho mỗi cá nhân. Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện sẽ họp, thống nhất thay đổi cơ chế, áp dụng thí điểm từ ngày 1/4/2020. Sau đó sẽ thay đổi, hoàn thiện cơ chế vào dịp sơ kết 6 tháng đầu năm. Tạo ra được những động lực mới, nguồn lực mới cho Viện trên cơ sở: Khai thác tiềm năng về đất đai của Viện; Khai thác tài nguyên di truyền: đó là các giống; Khai thác về tiềm năng con người; Khai thác về cơ chế. Đảng ủy sẽ nghiên cứu, ban hành ra cơ chế để tạo động lực phát triển Viện.
2. Đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi: Ngô tẻ sẽ bị thu hẹp dần về thị phần, ngô nếp, ngô đường đã có nền móng cho sựu phát triển. Trong quá trình nghiên cứu Viện phải xây dựng theo chuỗi sản phẩm của Ngô.
3. Cải tiến về vật liệu: Vật liệu là nền tảng để chọn tạo ra bộ giống tốt. Giai đoạn tới các nguồn vật liệu sẽ tập trung vào bộ môn Vật liệu di truyền. Đây là bộ môn công ích và phải tạo ra được các nguồn vật liệu ưu tú nhất phục vụ công tác chọn tạo giống của Viện.
B. Các định hướng khác:
1. Khai thác triệt để kinh phí của các địa phương và các Bộ khác như: Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công Thương...
2. Tăng cường hội nhập quốc tế: Giai đoạn tới Viện có chương trình hợp tác với Cu Ba về chuyển giao giống và kỹ thuật, máy gieo hạt và chuyên gia... Đánh giá đây là cơ hội và là niềm tự hào về các giống ngô lai của Viện. Ngoài các thị trường sẵn có như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung quốc... trong định hướng kinh doanh của Viện còn phải vươn ra các thị trường khác.
Trên đây là nội dung kết luận tại buổi Hội thảo tổng kết công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2019 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2020-2025 của Viện Nghiên cứu Ngô. Viện Nghiên cứu Ngô thông báo tới toàn thể các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện được biết và thực hiện.
Một số hình ảnh trong hội thảo:
MG 0702
TS. Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô phát biểu khai mạc hội nghị
Lê Văn Hải - Trưởng phòng KH&HTQT báo cáo đề dẫn trước hội nghị
TS. Lê Văn Hải - Trưởng phòng KH&HTQT đọc báo cáo đề dẫn trước hội nghị
MG 0707
Đồng chí Nguyễn Như Tiền - Cán bộ trẻ của Bộ môn Công nghệ sinh học có ý kiến đóng góp cho hội nghị
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây