Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2018 tập trung vào lĩnh vực nào?

Mục tiêu chính là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn giá trị gia tăng cao.
Mô hình trồng thanh long trên giàn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tập trung triển khai xây dựng kế hoạch phát triển ngành; kế hoạch phát triển từng lĩnh vực năm 2018.

Mục tiêu chính là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng GDP nông lâm thuỷ sản đạt khoảng 3 - 3,1%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành khoảng 3,3 - 3,5%; giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản khoảng 34 - 35 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 37%. 

Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 2,5 - 3%; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt tối thiểu 16 tỷ USD. 

Đối với chăn nuôi, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 4 - 5%. Theo đó, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực là lợi thế tại địa phương để tập trung đầu tư; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô đối với các sản phẩm chủ lực; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quy định chặt chẽ việc quản lý và sử sụng thuốc thú y. 

Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển Kinh tế thuỷ sản bền vững và Đề án tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 6%; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 7,5 tỷ USD. 

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 5,5 - 6%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 41,6% và nâng cao thu nhập cho người dân làm rừng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,5 - 7,7 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp phát triển thị trường, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 34 - 35 tỷ USD. Theo đó, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản cho từng thị trường và sản phẩm (nhất là đối với các sản phẩm đang có biểu hiện cung vượt cầu hoặc khó khăn về thị trường).

Tập trung phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn; chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản sang hình thức chính ngạch. 

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu đạt mục tiêu 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 huyện đạt chuẩn, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí/xã xuống dưới 100 xã. 

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Chấn chỉnh công tác cấp phép, cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.../.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây