Khi nào chấm dứt chi hàng tỷ đô nhập khẩu ngô?
- Thứ tư - 26/10/2022 08:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiền nhập ngô gần bằng tiền bán gạo
Tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thống kê cho thấy, Việt Nam phải nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến 60%, chủ yếu là ngô và khô dầu đậu tương. Năm 2021, nước ta nhập khẩu 22,3 triệu tấn, trị giá 10 tỷ USD, trong đó có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương.
Sự phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước thời gian qua liên tục “phi mã” theo đà tăng của thế giới. “Điều này tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam nói. Chi phí sản xuất tăng khiến người nuôi không có lãi và sản phẩm thịt, trứng, sữa trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu nên rất khó cạnh tranh.
Đặc biệt, giá cả và mức độ sẵn có của nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu dự báo sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới do xung đột chính trị trên thế giới gia tăng cũng như chính sách cắt giảm xuất khẩu từ một số quốc gia sản xuất nguyên liệu nông nghiệp và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Nếu vậy, sẽ gây áp lực lớn cho ngành chăn nuôi, thực phẩm trong nước - kéo theo các ảnh hưởng về an ninh lương thực và lạm phát.
Đáng chú ý, Việt Nam là nước nông nghiệp “có tiếng”, là 1 trong gần 30 nước canh tác ngô trên toàn cầu nhưng lại trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, nước ta chi hàng tỷ USD để nhập ngô về làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Số tiền nhập khẩu ngô thậm chí gần bằng số tiền thu về từ xuất khẩu gạo.
Năm ngoái, xuất khẩu gạo mang về 3,3 tỷ USD, nhập khẩu ngô hết 2,88 tỷ USD. Bốn 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 1 tỷ USD, nhập khẩu ngô các loại trên 851 triệu USD. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT), hầu hết ngô nhập khẩu đều là giống biến đổi gene, có năng suất tốt, mẫu mã đẹp, không dễ bị ẩm mốc và sâu hại, giá thành bằng một nửa so với ngô trong nước.
Thủ tướng chỉ đạo phải tìm giải pháp
Tại cuộc đối thoại với hơn 4.000 nông dân mới đây ở Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thực tế, diện tích trồng ngô liên tục giảm trong thời gian qua. Từ 1,2 triệu hecta năm 2014 đến nay chỉ còn 900 nghìn hecta (sản lượng 4,6 triệu tấn), chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, năng suất thấp (khoảng 4,84 tấn/ha/năm trong khi năng suất ngô ở Mỹ lên đến 10 - 11 tấn/ha).
Từ đây, các chuyên gia cho rằng muốn giảm nhập khẩu, Việt Nam phải mở rộng diện tích trồng, đồng thời sử dụng ngô biến đổi gene để tăng mạnh về sản lượng như cách mà các nước xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới đang làm. Ngô biến đổi gene có khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh, thích ứng với hạn hán và cho năng suất cao hơn.
Thực tế, cây trồng biến đổi gene là một thành tựu của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Việt Nam cũng sớm có định hướng phát triển cây trồng công nghệ sinh học nói chung và cây trồng biến đổi gene; gần đây nhất là Quyết định 429/QĐ-TTg ban hành tháng 3.2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Cùng với đó, hệ thống pháp lý cho việc sử dụng và canh tác cây trồng biến đổi gene được hoàn thiện từ năm 2014 và được đánh giá là khoa học, tiên tiến trên thế giới.
Với hành lang này, ngô biến đổi gene được cấp phép canh tác thương mại từ năm 2015 nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, giúp nông dân có thêm lợi nhuận, bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đến năm 2019, diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học khoảng 92 nghìn hecta, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước.
Vào năm 2019 - 2020, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Viện PG Economics (Anh Quốc) nghiên cứu, đánh giá việc canh tác ngô biến đổi gene. Kết quả cho thấy, năng suất của các giống ngô biến đổi gene với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30%. Lợi nhuận cũng tăng từ 196 - 330 USD/ha (tương đương 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha). Tổng thu nhập tích lũy tăng thêm khi ứng dụng ngô biến đổi gene là 43,8 - 74,1 triệu USD (tương đương 1.007 - 1.704 tỷ đồng). Về tỷ suất đầu tư, trung bình mỗi 1 USD đầu tư thêm cho hạt giống biến đổi gene, nông dân sẽ có thêm 6,84 - 12,55 USD lợi nhuận. Bên cạnh đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng giảm đáng kể: với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.
Vướng mắc ở đâu?
Tuy vậy, 5 năm trở lại đây, việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng biến đổi gene, đặc biệt là cấp phép cho các giống ngô biến đổi gene mới, khá chậm trễ và không nhất quán.
Điều này ảnh hưởng đến việc đưa công nghệ hạt giống mới ra thị trường, làm giảm khả năng tiếp cận của nông dân với các giống cây mang tính trạng cải tiến thế hệ mới, bao gồm cả giống ngô biến đổi gene. Ví dụ, các giống ngô biến đổi gene có đặc tính kháng sâu, kháng sâu keo mùa thu (là một loại sâu mới có khả năng gây hại rất lớn) hoặc các giống có đặc tính nông sinh học về cải thiện năng suất, chất lượng và tính thích nghi ổn định cao hơn không được đưa ra thị trường để bổ sung hoặc dần thay thế cho những giống cũ.
Hệ quả là Việt Nam vẫn ngày một nhập khẩu nhiều hơn ngô biến đổi gene để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, trong thời gian tới, để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thì cùng với các chính sách vĩ mô về quy hoạch mở rộng diện tích trồng ngô, đậu tương, cần khuyến khích và đẩy nhanh tốc độ đăng ký và giới thiệu các giống cây trồng mới, trong đó có giống cây trồng biến đổi gene. Điều này một mặt giúp nông dân có đủ công cụ, thích ứng tốt hơn với điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt, cải thiện năng suất và thu nhập nông hộ…; mặt khác khuyến khích họ mở rộng canh tác, từ đó phần nào tự chủ được nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước.
Đến năm 2019, có 72 quốc gia sử dụng cây trồng công nghệ sinh học (cây trồng biến đổi gene); trong đó 29 nước canh tác và 43 nước nhập khẩu để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Các quốc gia canh tác gồm: 10 nước ở khu vực Mỹ Latinh, 9 nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 6 nước châu Phi, 2 nước Bắc Mỹ và 2 nước tại khu vực châu Âu. Tổng diện tích canh tác là 190,4 triệu hecta.
Có 14 loại cây trồng biến đổi gene đang được canh tác, phổ biến nhất là đậu tương (91,9 triệu hecta), ngô (60,9 triệu hecta), bông (25,7 triệu hecta), cải dầu (10,1 triệu ha) và cỏ alfafa (1,28 triệu ha). 5 loại này chiếm 99% tổng diện tích cây trồng biến đổi gene trên toàn cầu.
Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất, canh tác cây trồng biến đổi gene lớn nhất thế giới, chiếm 37,6% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gene toàn cầu.