Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Lễ ký Biên bản ghi nhớ về giống cây trồng, phân bón hữu cơ và canh tác thông minh

Lễ ký Biên bản ghi nhớ về giống cây trồng, phân bón hữu cơ và canh tác thông minh
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về giống cây trồng, phân bón hữu cơ và canh tác thông minh giữa Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA), Viện nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Công ty cổ phần Đại Thành, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) và Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) thuộc Bộ Nông nghiệp Sierra Leone (MAF SL)
Sáng ngày 22/3/2022, tại trụ sở Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ về giống cây trồng, phân bón hữu cơ và canh tác thông minh giữa Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA), Viện nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Công ty cổ phần Đại Thành, Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) và Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) thuộc Bộ Nông nghiệp Sierra Leone (MAF SL). Ngoài ra, tham dự buổi lễ còn có đại diện các doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào thị trường châu Phi nói chung, thị trường Sierra Leone nói riêng và các cán bộ nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.
Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi (VEACA) là một tổ chức, diễn đàn do các đại diện đến từ Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam và một số doanh nghiệp đang hợp tác hoặc mong muốn hợp tác với khu vực này. VAECA có sứ mệnh là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Phi vì lợi ích của hai bên.
 
pgs ts le phuoc minh phat bieu
PGS. TS Lê Phước Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA) – Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phát biểu ý kiến
 
Viện nghiên cứu ngô là một viện nghiên cứu về ngô hàng đầu của Việt Nam. Là đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô. Theo ông Lê Văn Hải – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện nghiên cứu ngô), thông qua Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi (VEACA), Viện nghiên cứu ngô đã có buổi làm việc với ông Chakanda Robert - Giám đốc điều hành Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) vào ngày 21/3/2022. Hai bên rất hài lòng về kết quả đạt được cũng như những thành quả trong nghiên cứu của Viện. Trong tương lai, Viện nghiên cứu ngô có thể tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những giống ngô phù hợp với đặc điểm của đất nước Sierra Leone. Cùng với đó, Viện nghiên cứu ngô cũng hướng đến những hợp tác với phía Sierra Leone trong vấn đề đào tạo chuyên gia, chuyển giao công nghệ giống,…
 
 
vien nghien cua ngo
Đại diện VEACE, Viện nghiên cứu ngô, Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) ký biên bản hợp tác

Công ty cổ phần Đại Thành là đơn vị chuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp như: Hạt giống cây lương thực & thực phẩm, phân bón. Theo ông Nguyễn Sỹ Hà – Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành, công ty đã có gần 20 năm trong lĩnh vực nông nghiệp và 5 năm trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài hạt giống, công ty đang triển khai nhiều sản phẩm công nghệ có ứng dụng trong nông nghiệp. Công ty là nhà phân phối độc quyền máy bay không người lái P-GLOBALCHECK(PG) ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam & các nước ASEAN. Đây cũng là sản phẩm mà công ty mong muốn hợp tác với Sierra Leone. Thiết bị bay không người lái không chỉ có chức năng phun thuốc bảo vệ thực vật mà còn thực hiện được nhiều tính năng như gieo hạt giống, rải đều phân bón,… Các thiết bị máy bay không người lái trước kia chỉ mang được 10 -15 lit, 20 lit, nhưng hiện nay đã có sự cải tiến rõ rệt khi mang được sản phẩm lên đến 50 lit, mang được 40 -50 kg hạt giống, phân bón. Do vậy sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu về gieo cạn cũng như rải hạt giống, giúp giải quyết được bài toán về thiếu nhân công lao động, phù hợp với nhiều khu vực và loại địa hình, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, công ty còn phát triển các dòng sản phẩm khác như: máy cày, máy làm đất, máy cắt, gặt lúa,… Điểm đặc biệt là các sản phẩm đều được lập trình tự động, tích hợp các giải pháp thiết bị thông minh. Chỉ cần một người có thể điều khiển được rất nhiều máy móc mà không cần số lượng nhân công lao động lớn. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh, hệ thống thiết bị bay viễn thám có thể quản lý và giám sát trên diện tích lớn rất tập trung, theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến sâu bệnh, cũng như vấn đề điều tiết cây trồng cũng là những sản phẩm công nghệ mà công ty Đại Thành đang chú trọng đầu tư. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, sản phẩm của công ty Đại Thành rất phù hợp với khu vực châu Phi do diện tích đất nông nghiệp ở đây lớn, nông dân lại thiếu kỹ năng về canh tác đất nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế không cao.
 
dai thanh
Đại diện VEACE, Công ty cổ phần Đại Thành, Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) trong lễ ký biên bản hợp tác

Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) là đơn vị chuyên nghiên cứu về các loại hạt giống phát triển tại Việt Nam, như giống Ngô sinh khối, Giống lúa lai, Giống đậu, Giống cỏ chăn nuôi, và một số máy móc chế biến, đóng gói sản phẩm.Theo ông Đỗ Thanh Tùng – Giám đốc Công ty, do Giám đốc điều hành Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) – ông Chakanda Robert dành sự quan tâm lớn đến giống lúa lai của công ty Vietseed nên hai bên đã thống nhất về việc Vietseed cung cấp hạt giống cho phía Sierra Leone trồng thử nghiệm, nếu đạt hiệu quả cao sẽ tiến tới xuất khẩu hạt giống. Bên cạnh đó, ông Chakanda Robert cũng có nhu cầu phía công ty Vietseed hỗ trợ đào tạo chuyên gia Sierra Leone. Ông Đỗ Thanh Tùng nhất trí với đề xuất này, nếu tìm được nguồn tài trợ và chính sách phù hợp, Vietseed sẵn sàng hỗ trợ đào tạo miễn phí.
 
vietseed

Đại diện VEACE, Công ty Vietseed, Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) ký biên bản hợp tác
 
Ông Lê Quang Thắng – Giám đốc công ty A & T, Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi (VEACA) là một người đã có thời gian công tác 8 năm tại 15 đất nước thuộc châu Phi. Theo ông, an ninh lương thực hiện đang là bài toán lớn tại khu vực này. An ninh lương thực chính là an ninh về con người. Thực tế hiện nay, đất nông nghiệp tại châu Phi đang bị hoang hóa khoảng 30 -35%, nhiều khu vực không được canh tác đúng cách. Bởi vậy, lĩnh vực trọng tâm trong hoạt động của Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi là về lĩnh vực nông nghiệp. Bản thân là doanh nghiệp thành viên của VEACA, ông sẽ cố gắng trong chừng mực của mình nhằm tối đa hóa sự xúc tiến giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực châu Phi trên cơ sở sự đồng thuận, hiểu biết lẫn nhau để cùng tìm kiếm lợi ích và cơ hội cho các bên. VEACA sẽ luôn đồng hành cùng các đơn vị, các chuyên gia để đưa thương hiệu nông nghiệp Việt Nam sang châu Phi, không những Sierra Leone mà còn cả các quốc gia châu Phi khác.
Theo ông Chakanda Robert Tamba Michael, Giám đốc điều hành Cơ quan Chứng nhận Giống cây trồng Sierra Leone (SLeSCA) thuộc Bộ Nông nghiệp Sierra Leone (MAF SL): thông qua VAECA, ông đã có cơ hội được làm việc với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực giống cây trồng và máy móc nông nghiệp của Việt Nam. Việt Nam và Sierra Leone đều có những công ty có thể hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vậy, hy vọng trong tương lai hai bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa. Việc ký biên bản ghi nhớ này rất quan trọng và là bước khởi đầu cho những hợp tác sau này giữa Sierra Leone và Việt Nam. Vấn đề cần quan tâm là làm thế nào và khi nào có thể triển khai được theo những thỏa thuận trong biên bản hợp tác này trong thời gian sớm nhất. Chúng ta cần phải có những kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa những điều khoản trong MOU.
Với những trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, các bên tiến hành ký biên bản hợp tác và mong muốn trong tương lai hoạt động hợp tác sẽ tiến triển tốt đẹp, đạt được nhiều thành tựu to lớn.
 
Tổng hợp: ThS. Hồ Diệu Huyền

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây