VAAS 'trình làng' hàng loạt tiến bộ kỹ thuật mới
- Thứ hai - 04/12/2017 15:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên kết các “mắt xích”
Theo TS Lê Quốc Thanh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp VN, mỗi năm, các đơn vị trực thuộc VAAS có khoảng 20 giống cây trồng mới và 15 TBKT được Bộ NN-PTNT công nhận. Nhưng để chuyển giao thành công vào đời sống quả thực là bài toán khó. Một TBKT phải thoả mãn được hai yếu tố: Đáp ứng nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng chuỗi liên kết giá trị.
“Chúng ta có đội ngũ khuyến nông mạnh, có đội ngũ nghiên cứu mạnh, nhưng chúng ta chưa thực sự gắn kết. Tái cơ cấu nền nông nghiệp và biến đổi khí hậu không có chỗ cho SX nhỏ lẻ, nhưng làm thế nào để nông dân SX trên cánh đồng của mình nhưng tạo ra giá trị lớn, thì vai trò của doanh nghiệp ở đâu, của nhà khoa học ở đâu, từng mắt xích trong chuỗi ấy phải được sắp xếp lại để phù hợp hơn với yếu cầu SX”.
Thời gian qua, rất nhiều TBKT đã ra đời từ đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Ví dụ, trước nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Viện Nghiên cứu rau quả đã tập trung nghiên cứu, lai tạo, SX và nhân giống nhiều loại hoa có giá trị kinh tế rất cao.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết: Từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài, Việt Nam đã chủ động sản xuất được giống lan hồ điệp không thua kém gì Đài Loan và chất lượng cao hơn cả Trung Quốc (hoa nở bền hơn). Các mô hình SX cà chua trong nhà mái che năng suất lên tới 250 tấn/ha; mô hình SX dưa lưới (giống Hà Lan) công nghệ cao năng suất 45 tấn/ha... Ở Nam Định, Viện Nghiên cứu Rau quả đã chuyển giao một mô hình sản xuất địa lan có diện tích 1.000m2, giá trị đầu tư 10 tỷ đồng nhưng thu về lợi nhuận rất lớn và hiệu quả bền vững.
TS Phạm Văn Dân, PGĐ phụ trách Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (thuộc VAAS) cho biết: Tính đến thời điểm này, VAAS đã có 233 giống cây trồng các loại được công nhận, trong đó có 83 giống quốc gia, 149 giống được công nhận SX thử và chuyển nhượng được 50 giống với giá trị cao, được ứng dụng đại trà trong SX. Viện đang nắm trong tay một “kho tàng” giống lúa đa dạng và phong phú, trong đó có những giống lúa cực ngắn ngày (TGST từ 80 – 85 ngày), những giống lúa chất lượng cao và cả những giống lúa “đặc chủng”, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu rét, chịu mặn, chịu hạn.
Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã thay đổi phương thức chuyển giao TBKT, từ chỗ “tự nghiên cứu, tự làm mô hình và bán sản phẩm” đã chuyển sang phương thức liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cung dịch vụ vật tư nông nghiệp và bao tiêu đầu ra trong xây dựng mô hình khảo nghiệm và thương mại hoá sản phẩm. Đây là hướng đi rất tốt, là lối mở cho nghiên cứu khoa học đến được với nông dân. |
Vốn đầu vào của khuyến nông là TBKT
TS Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Nguồn vốn đầu vào của khuyến nông chính là TBKT”. Bởi vậy, bản thân người chuyển giao – cán bộ khuyến nông, phải tích cực nghiên cứu, cập nhật những tiến bộ mới trong SXNN để tập huấn cho nông dân, thì mới thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Ngoài khối viện nghiên cứu, thời gian tới, Trung tâm KNQG sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân SX giỏi để tập hợp toàn bộ TBKT mới, phổ biến cho hệ thống khuyến nông từ trung ương đến cơ sở, qua đó góp phần lan toả những cách làm hay đến bà con.
Hiện viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang tích cực ứng dụng các kỹ thuật tân tiến của thế giới để nghiên cứu, phát triển giống cây trồng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm chia sẻ, viện đã làm chủ được các kỹ thuật để lai chuyển gen, khắc phục những hạn chế của giống lúa nền, từ đó tạo ra các giống cải tiến có ưu thế vượt trội. Chỉ khoảng 2 năm nữa thôi, viện sẽ cho “ra lò” giống lúa kháng đạo ôn, kháng bạc lá cực tốt. Nếu thành công, đây là sản phẩm rất ý nghĩa trong phát triển nền nông nghiệp nước nhà
MINH PHÚC
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam