Viện Nghiên cứu Ngô

https://nmri.org.vn


Viện Nghiên cứu Ngô, 50 năm phát triển và hội nhập

Viện Nghiên cứu Ngô, 50 năm phát triển và hội nhập
 
BMC
TS. Bùi Mạnh Cường
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô
             Bước sang năm 2021, Viện Nghiên cứu Ngô trải qua 50 năm xây dựng, phát triển với những thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, con đường phía trước cũng đầy những khó khăn.
            Cách đây 50 năm, khi đất nước vẫn còn chia cắt, công cuộc giải phóng đất nước giành độc lập dân tộc đang trong giai đoạn vô cùng ác liệt và cam go, song với tầm nhìn chiến lược, xác định vai trò, vị trí quan trọng của cây ngô trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp nước nhà, Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sắc tới cây ngô, trực tiếp là Bộ Nông trường.
            Vì vậy cuối tháng 10 năm 1970, Bộ trưởng Bộ Nông trường Nghiêm Xuân Yêm đã triệu tập và trực tiếp giao những mẫu ngô giống đầu tiên có nguồn gốc từ Hungary cho kỹ sư Ngô Hữu Tình - Cục Sản xuất để tiến hành gieo trồng, duy trì và đánh giá, đây cũng là nguồn gen quý nhập nội đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, kết hợp với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã xây dựng thành công tập đoàn giống ngô đầu tiên ở nước ta. Tập đoàn giống ngô được gieo trồng tại Đồi Bai - xã Phú Thành - huyện Lạc Thủy - tỉnh Hòa Bình. Đây là nguồn vật liệu chọn lọc ban đầu, là cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho việc đề xuất thành lập cơ quan nghiên cứu ngô đầu tiên ở miền Bắc nước ta - Trạm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi - Hòa Bình.
            Trên cơ sở kết quả hoạt động nghiên cứu xây dựng tập đoàn quỹ gen cây ngô, ngày 13/2/1971 Bộ Nông trường đã ra Quyết định số 75/QĐ-TC về việc thành lập Trại ngô Sông Bôi. Trại đóng ở xã Phú Thành - huyện Lạc Thủy - tỉnh Hòa Bình với 13 cán bộ và 25 công nhân, trực thuộc Bộ Nông trường với nhiệm vụ thu thập, khảo sát, tuyển chọn các giống ngô địa phương và nhập nội, xây dựng biện pháp canh tác, hướng dẫn kỹ thuật. Trại hoạt động dựa trên cơ sở vật chất và tư cách pháp nhân của nông trường Sông Bôi.
            Với tinh thần đoàn kết vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thời kỳ đầu mới thành lập, Trại đã xây dựng tập đoàn cây ngô đầu tiên ở nước ta. Khảo sát, tuyển chọn được một số giống ngô địa phương tốt kịp thời phục vụ sản xuất, bước đầu xây dựng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nhân kỹ thuật nòng cốt của Trại.
            Sau hơn một năm hoạt động, với nhiệm vụ, yêu cầu mới của đất nước, ngày 10/5/1971 Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương ra Quyết định số 197/NN giao Trạm Ngô Sông Bôi cho Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm quản lý với tư cách là một đơn vị hành chính hoạt động độc lập, trụ sở đóng tại Đồi Bai, xã Phú Thành, với nhiệm vụ tiếp tục duy trì, xây dựng tập đoàn giống ngô, định hướng nghiên cứu chọn tạo và kỹ thuật canh tác, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và sinh hoạt. Tổng số biên chế là 112 cán bộ công nhân viên chức. Trải qua gần 10 năm gian khó (5/1972-6/1981), Trại đã đạt được một số kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật:
            - Xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu với tư cách hoạt động độc lập của một đơn vị nghiên cứu khoa học.
            - Xác định hướng nghiên cứu trước mắt cũng như lâu dài phục vụ mục tiêu nghiên cứu cây ngô.
            - Xây dựng tập đoàn canh tác, đa dạng hóa vật liệu nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo bộ giống ngô thụ phấn tự do năng suất cao phục vụ sản xuất.
            - Bước đầu xây dựng và hoàn thiện một số biện pháp kỹ thuật canh tác.
            - Tham gia công tác đào tạo và hoạt động hợp tác quốc tế.            
           - Với sự trưởng thành của Trại ngô sau 10 năm hoạt động, ngày 25/6/1981, Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 129-TCCB/QĐ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi trực thuộc Bộ Nông nghiệp trên cơ sở Trại ngô Sông Bôi thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Trung tâm Nghiên cứu Ngô Sông Bôi là tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực thuộc Bộ Nông Nghiệp.
            Năm 1985, Trung tâm tiếp quản một phần cơ sở vật chất, đất đai của Trường Trung cấp chăn nuôi Sông Bôi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Trung tâm.
            Ngày 30/3/1987  Bộ NN&CN thực phẩm đã ra Quyết định số 03-TCCB/QĐ về việc chuyển giao cơ sở Trại tằm Đan Phượng, Hà Nội cho Trung tâm quản lý và xây dựng thành cơ sở nghiên cứu. Trong thời gian từ tháng 6/1981 đến tháng 5/1988, Trung tâm đã có nhiều đóng góp cho sản xuất ngô cả nước.
            - Chọn tạo thành công bộ giống ngô thụ phấn tự do: TH2B, TSB1, TSB2, Q2, MSB49…. góp phần phát triển ngô Đông ở các tỉnh phía Bắc.
            - Nghiên cứu hoàn thiện qui trình canh tác ngô đông trên đất 2 vụ lúa, góp phần phát triển cây ngô ở Việt Nam cả về diện tích và sản lượng.
            - Hợp tác quốc tế về cây ngô không ngừng được mở rộng
           - Tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu, cơ sở vật chất đáp ứng ngày một tốt hơn cho công tác nghiên cứu.
          Với những thành tích xuất sắc đóng góp cho sản xuất ngô giai đoạn 1981-1987, xuất phát từ yêu cầu phát triển ngô của cả nước, đầu năm 1988 Viện Nghiên cứu Ngô được thành lập trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi.
            Ngày 30/5/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ) ra quyết định 168-CT về việc chuyển Trung tâm Nghiên cứu ngô Sông Bôi thành Viện Nghiên cứu Ngô, trụ sở đóng tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
             Ngày 24/4/1989, Bộ NN và Công nghiệp thực phẩm ra Quyết định số 171 NN-TCCB, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện Nghiên cứu Ngô với chức năng, nhiệm vụ.
            Viện là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ NN& CNTP có nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật về cây ngô và một số cây màu khác có thể luân canh với cây ngô. Tổ chức việc hướng dẫn và triển khai các tiến bộ kỹ thuật về những cây trồng trên vào sản xuất.
         Tháng 9/2005, Viện Nghiên cứu Ngô trở thành thành viên của Viện Khoa học Nông nghệp Việt Nam theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính Phủ. Ngày 9/5/2006 Bộ NN&PTNT ra Quyết định số 33/2006/QĐ-BNN qui định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Ngô. Viện Nghiên cứu Ngô là đơn vị khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô.
            Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, vượt qua những gian nan vất vả, những bước thăng trầm của thời gian, nhưng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, tinh thần đoàn kết vượt khó, ý chí kiên trung của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công nhân viên chức và người lao động, Viện Nghiên cứu Ngô đã vượt qua khó khăn thử thách, từng bước trưởng thành, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ :Chọn tạo và chuyển giao thành công nhiều giống ngô lai mới vào sản xuất như LVN10, LVN4, LVN99, LVN61, LVN885, LVN145, A830, VN8960, VN5885, LVN092, LVN102, VN665, VN667, VN172, Thịnh vượng 9999... và một số giống ngô nếp, ngô đường như: nếp lai số 5, nếp lai số 9, ngô nếp TG10, nếp lai VN556, nếp lai VN559, đường lai 20, ĐL89  …một số giống đậu xanh ĐVN 5, ĐVN 6, ĐVN9…Đã ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong công tác chọn tạo dòng công nghệ đơn bội kép, chỉ thị phân tử, chuyển gen. Xây dựng qui trình kỹ thuật thâm canh các giống ngô mới cho các vùng sinh thái trên cả nước. Hoàn thiện qui trình sản xuất hạt lai, sấy chế biến, bảo quản và tiêu thụ hạt giống. Tham gia hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo, trao đổi cán bộ, chuyên gia, vật liệu nghiên cứu, góp phần nâng cao năng suất sản lượng ngô toàn quốc.
            Với những thành tích đã đạt được, Viện Nghiên cứu Ngô được Đảng nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quí cho tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu và chuyển giao TBKT.
            Nhìn lại chặng đường suốt 50 năm xây dựng và phát triển của Viện, mỗi thế hệ cán bộ công nhân viên chức và người lao động đều có quyền tự hào với những thành tích đã đạt được. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo các bộ ngành, trực tiếp là Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức của Viện qua các thời kỳ, sự giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi của các địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện.
             Mặc dù đạt được những thành tích rất đáng tự hào nhưng chặng đường phát triển phía trước của Viện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức:
           - Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của cả dân tộc, cây ngô phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về chất lượng sản phẩm, giá cả, thị trường tiêu thụ.
          - Mặc dù thời gian qua, cây ngô được quan tâm, là một trong những cây được ưu tiên trong chương trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, nhưng vẫn là một trong những cây yếu thế trong chuyển đổi, mặc dù dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
            Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với đội ngũ cán bộ trẻ nhiệt huyết với nghề, sự đồng hành của các doanh nghiệp, sự giúp đỡ tạo điều kiện của địa phương và bà con nông dân, Viện Nghiên cứu Ngô sẽ vượt qua thử thách, khó khăn với những định hướng nghiên cứu sau:
            - Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai thế hệ mới đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
            - Nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất ngô nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng ngô, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
            - Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu công nghệ tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách trong nghiên cứu phát triển cây ngô với khu vực và thế giới.
            - Tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
          - Liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong VAAS, các doanh nghiệp nhằm chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước giữ vững và cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên chức và người lao động.
           - Xây dựng Viện khang trang, sạch đẹp, cán bộ công nhân viên chức văn minh lịch sự, xứng đáng là cơ quan văn hóa.          
            Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện, toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu Ngô xin bày tỏ tấm lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, với các đồng chí Lãnh đạo Bộ NN&PTNT qua các thời kỳ, Lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện phấn đấu đi lên và trưởng thành. Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan của các Bộ ngành, các doanh nghiệp, bà con nông dân ở các địa phương đã ủng hộ, giúp đỡ Viện trong suốt 50 năm qua.
            Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các thế hệ cán bộ công nhân viên chức, các đồng chí tiền bối đã để lại cho chúng tôi một tiềm lực, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đó là những điều kiện thuận lợi và là động lực cho sự phát triển của Viện hôm nay và mai sau.
           
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây