Viện Nghiên cứu Ngô được thành lập năm 1971, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống Ngô Sông Bôi (Lạc Thủy- Hòa Bình). Năm 1988 được đổi tên là Viện Nghiên cứu Ngô và có trụ sở đóng tại Đan Phượng, Hà Nội. Là đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây ngô và một số cây màu khác trong hệ thống luân canh có ngô.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Để kịp thời nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công việc, Viện đã chú trọng tới công tác đào tạo cán bộ trong và ngoài nước. Ngoài ra, Viện còn tham gia đào tạo sinh viên, học viên sau đại học và tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất. Các chương trình hợp tác quốc tế của Viện với Trung tâm Nghiên cứu Ngô và Lúa mỳ Quốc tế (CIMMYT), Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Sudan, Cộng hòa Cuba cũng đem lại nhiều kết quả khả quan.
Với nguồn nhân lực chất lượng, thời gian qua Viện đã thu thập và phát triển được nhiều vật liệu tốt phục vụ chương trình chọn tạo giống ngô lai: Tạo được trên 1.500 dòng tự phối từ các vật liệu khác nhau; Lưu giữ gần 700 nguồn gen ngô là các giống địa phương, giống ngô thụ phấn tự do, quần thể. Viện đã chọn tạo và phát triển thành công nhiều giống ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao như: LVN10, LVN4, LVN17, LVN25, LVN5, LVN9, LVN20, LVN22, LVN23, VN8960, HQ2000, LVN145, LVN61, LVN62, LVN66, LVN146, LVN14, LVN092, SB099, LVN111, LVN102, VS36, LVN154, LVN152, LVN62, A380, LVN885, VS71, VN5885, VN595, H119, Nếp lai số 5, G77, Nếp lai số 9, Đường lai 10, Đường lai 20 và nhiều tổ hợp lai triển vọng khác. Với những đặc điểm nổi trội, nhiều giống ngô lai của Viện đã được người sản xuất trong nước tin dùng, giai đoạn 2000-2005 mỗi năm Viện cung ứng từ 2.000 - 3000 tấn giống cho thị trường nội địa.
Trước đòi hỏi ngày càng cao của sản xuất, Viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới phục vụ chọn tạo và phát triển các giống ngô có năng suất và chất lượng cao hơn. Tiêu biểu là: Ứng dụng chỉ thị phân tử SSR trong đánh giá đa dạng di truyền tập đoàn vật liệu; Nghiên cứu chuyển gen nâng cao tính chịu hạn cho cây ngô. Bên cạnh đó, Viện cũng rất chú trọng tới việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác ngô cho các vùng sinh thái. Các giống mới và kỹ thuật canh tác phù hợp được áp dụng trong thực tiễn đã góp phần đưa năng suất ngô của Việt Nam từ 3,6 tấn/ha (năm 2005) lên 4,48 tấn/ha (năm 2015), sản lượng tăng tương đương từ 3,78 triệu tấn lên 5,28 triệu tấn.
Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với sự canh tranh gay gắt của các công ty đa quốc gia nhưng hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Viện vẫn có sự phát triển ổn định. Các giống mới của Viện được chuyển giao theo nhiều hình thức từ tự sản xuất, phân phối, hợp tác với các địa phương, bán giống bố mẹ và cung cấp quy trình sản xuất hạt giống cho các danh nghiệp đến chuyển nhượng quyền sử dụng và phân phối giống cho các công ty. Lượng giống do Viện nghiên cứu chọn tạo được sản xuất và phân phối mỗi năm từ 7.000 - 8.000 tấn, chiếm khoảng 30% diện tích giống ngô lai cả nước. Với giá bán thấp hơn khoảng 1 USD/kg so với giá giống nhập khẩu, mỗi năm Viện đã giúp tiếp kiệm được khoảng 7-8 triệu USD. Bên cạnh đó, giống ngô của Viện còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia và các tỉnh phía nam Trung Quốc. Nhằm phát triển theo hướng đa dạng sản phẩm, lần đầu tiên Viện đã mua 01 sản phẩm từ đơn vị khác là giống bí xanh Thiên Thanh 5 của Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm. Sản phẩm này đã góp phần đa dạng thêm nhóm ngành hàng của Viện trên bước đường phát triển mới.
Với những cống hiến to lớn cho lĩnh vực sản xuất ngô của Việt Nam, nhiều cá nhân và tập thể của Viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Viện, danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS.TSKH. Trần Hồng Uy; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba cho Viện cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen và phần thưởng trong và ngoài nước khác. Với bề dày thành tích cùng bản lĩnh trí tuệ, sức sáng tạo, tin tưởng rằng Viện Nghiên cứu Ngô sẽ tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm nghiên cứu tiên tiến trình độ quốc tế trong thời gian tới.