Giúp nông dân sản xuất ngô sinh khối theo tư duy thị trường

Thứ sáu - 30/09/2022 14:31
Sơn La - Mô hình sản xuất ngô sinh khối với giống ngô LCH9 của Viện Nghiên cứu Ngô tại Sơn La giúp nông dân tiếp cận tư duy sản xuất ngô sinh khối theo thị trường.

Thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương năm 2022, vụ Hè Thu 2022 tại Sơn La, Bộ môn Cây thức ăn Chăn nuôi (Viện Nghiên cứu Ngô) đã xây dựng và triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc 2021 – 2023. Giống ngô sản xuất tại mô hình là LCH9.

Mô hình được triển khai với diện tích 10ha tại xã Tường Thượng (huyện Phù Yên, Sơn La) trong vụ hè thu 2022. Triển khai mô hình, Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Green life Việt Nam liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Các hộ tham gia mô hình ủy quyền cho 01 hộ làm nhóm trưởng ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với đơn vị thu mua với 950 đồng/kg, lượng thu mua 272 tấn.
 

Giống ngô LCH9 đưa vào sản xuất tại mô hình cho thấy khả năng chịu hạn, chịu mật độ dày, cho năng suất sinh khối cao. Ảnh: ST.
Giống ngô LCH9 đưa vào sản xuất tại mô hình cho thấy khả năng chịu hạn, chịu mật độ dày, cho năng suất sinh khối cao.
Ảnh: Viện Nghiên cứu Ngô.

Kết quả cho thấy, giống ngô LCH9 có khả năng chịu hạn tốt, thích hợp để làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, năng suất sinh khối trung bình trong mô hình đạt 50,5 tấn/ha, tương đương thu nhập đạt hơn 48 triệu đồng/ha/vụ. Do hiệu quả sản xuất ngô sinh khối cao hơn so với sản xuất ngô lấy hạt đại trà là 15 - 20%, đồng thời có thể thực hiện được 3 - 4 vụ ngô sinh khối/năm nên đã giúp tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người sản xuất ngô sinh khối.

Bên cạnh đó, sản xuất ngô sinh khối còn góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhờ việc sử dụng  triệt để tất cả các bộ phận của cây ngô và ít sử dụng thuốc BVTV hơn so với sản xuất ngô đại trà (thời gian của vụ ngô sinh khối ngắn hơn nhờ thu hoạch vào giai đoạn chín sáp).

Việc đưa giống ngô sinh khối LCH9 có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 85 - 90 ngày, có thể thực hiện 3 - 4 vụ/năm), thu hoạch nhanh gọn, sạch mặt ruộng giúp người dân có mặt bằng để triển khai gieo trồng một số loại rau ăn lá phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán cũng như sản xuất các vụ tiếp theo.

Nhờ đồng bộ gói kỹ thuật, năng suất sinh khối trong mô hình cao vượt trội so với sản xuất ngô sinh khối tại địa phương. Ảnh: ST.
Nhờ đồng bộ gói kỹ thuật, năng suất sinh khối trong mô hình cao vượt trội so với sản xuất ngô sinh khối tại địa phương.
Ảnh: Viện Nghiên cứu Ngô.

Việc thực hiện sản xuất thương phẩm ngô sinh khối gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cũng tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp địa phương với người dân nhằm hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, giúp bà con tiếp cận được phương pháp xây dựng kế hoạch ngô sinh khối theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là đã được tiếp cận được một số tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất ngô sinh khối (ủ chua, làm viên nén,..), tạo sự chủ động trong việc cung cấp nguyên liệu và thức ăn cho chăn nuôi tại địa phương, là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất ngô.

Triển khai mô hình, Bộ môn Cây thức ăn Chăn nuôi cũng đã tiến hành tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất ngô sinh khối cho nông dân tại xã Tường Thượng (huyện Phù Yên) với sự tham gia của hơn 120 hộ nông dân tham gia mô hình. Qua đó, người dân trong vùng mô hình đã nắm vững kiến thức và vận dụng để xây dựng mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến ngô sinh khối đảm bảo chất lượng. Đây là cơ sở để phát triển sản xuất ngô sinh khối tại huyện Phù Yên, góp phần mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối.

Các đại biểu tham quan mô hình. Ảnh: Vienj Nghiên cứu Ngô.
Các đại biểu tham quan mô hình. Ảnh: Viện Nghiên cứu Ngô
Hiệu quả mô hình tăng rõ rệt so với ngô lấy hạt cũng là động lực giúp người trồng ngô ở địa phương nhận thức được lợi ích của việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác giống ngô sinh khối, từ đó tuyên truyền cho những hộ dân xung quanh học tập và làm theo.
Qua quá trình thực hiện mô hình sản xuất ngô sinh khối tại xã Tường Thượng (huyện Phù Yên), các đơn vị triển khai cũng kiến nghị địa phương cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho gia súc trên các diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất bỏ hóa, đất trồng lúa thiếu nước.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây