Thời cơ cho ngô nội - Hợp tác chuyển giao sang các Doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ sáu - 24/06/2016 03:50
Cùng với việc liên tục tung ra nhiều giống ngô lai được các Doanh nghiệp trong nước ký kết bản quyền chuyển nhượng, phân phối, Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - VAAS) đang mở rộng biên hợp tác nghiên cứu – chuyển giao sang các Doanh nghiệp nước ngoài.
Ngày 22/6, Viện Nghiên cứu ngô (NMRI) đã tổ chức hội nghị ký kết hợp tác, chuyển giao giữa Viện với các đơn vị và DN. Vừa bán, vừa mua
Tại “ngày hội chuyển nhượng” này, đã có tổng cộng 9 hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng, phân phối và các biên bản hợp tác giữa NMRI với các đơn vị, DN được ký kết, bao gồm: HĐ chuyển nhượng bản quyền giống ngô lai đơn NSC87 với Cty CP Giống cây trồng Trung ương; Biên bản gi nhớ chuyển giao quyền phân phối giống ngô lai M 9388 với Cty TNHH Mahyco Việt Nam; HĐ mua bán giống ngô lai HT 119 với Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang; HĐ mua bán giống ngô lai LCH 9 với Cty CP Thương mại và Phát triển nông nghiệp Delta; HĐ chuyển giao quyền phân phối giống ngô lai MK 668 và HĐ mua bán giống ngô lai MK 668 với Cty CP Đầu tư hạt giống Việt Nam; HĐ phối hợp phát triển giống ngô nếp VN 559 với Cty CP Giống cây trồng Nha Hố; HĐ chuyển nhượng bản quyền giống bí đao Thiên Thanh 5 giữa NMRI và Viện Cây lương thực và cây thực phẩm; Biên bản hợp tác phát triển cây trồng cạn giữa NMRI với Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố.
Cùng với đợt ký HĐ chuyển nhượng bản quyền này, đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng 2 năm gần đây, NMRI tung ra các sản phẩm nghiên cứu được các DN săn đón ký kết HĐ chuyển nhượng phân phối, nâng tổng số giống ngô được chuyển giao bản quyền lên con số 14 giống kể từ năm 2015 đến nay.
Bên cạnh hợp tác với các DN trong nước, đáng chú ý lần này, NMRI đã lần đầu tiên “xuất giá” được sản phẩm nghiên cứu là giống ngô lai M 9388 cho một DN nước ngoài là Cty TNHH Mahyco Việt Nam. Từ chỗ chuyên bán bản quyền giống, NMRI đang có chiến lược chuyển sang mua bản quyền giống, bằng việc bắt tay với các đơn vị nghiên cứu khác trong nước, nhất là các đơn vị trực thuộc VAAS.
Cùng với việc liên tục tung ra nhiều giống ngô lai được các DN trong nước ký kết bản quyền chuyển nhượng, phân phối, Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - VAAS) đang mở rộng biên hợp tác nghiên cứu – chuyển giao sang các DN nước ngoài.
Tại hội nghị, TS Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng NMRI cho biết: Trong bối cảnh SX ngô cũng như thị trường giống ngô tại Việt Nam đang chịu cạnh trang gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài, Viện đang chủ trương từng bước đa dạng hóa các sản phẩm nghiên cứu và lĩnh vực hoạt động như cây ăn quả, rau đậu… Cùng với việc ký HĐ chuyển nhượng bản quyền giống bí đao Thiên Thanh 5 với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm và biên bản hợp tác với Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, viện sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị khác thuộc VAAS nhằm phát triển thị trường giống rau quả tại phía Bắc.
Đối với giống ngô, Viện cũng đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm sang các giống ngô nếp, ngô ngọt… và cây làm thức ăn gia súc. Sau hơn 1 năm thành lập Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi, hiện đã có 2 giống ngô có thể làm thức ăn xanh cho gia súc, nhất là cho bò thịt, bò sữa rất tốt, sẽ được chuyển giao cho các DN trong thời gian tới.
Triển vọng ngô nội
Đánh giá thị trường giống ngô lai tại Việt Nam, mặc dù gặp nhiều sự cạnh tranh, nhất là từ các tập đoàn SX giống lớn của nước ngoài, tuy nhiên nhiều ý kiến của các DN cho rằng, các giống ngô lai nội địa của NMRI sẽ vẫn tiếp tục có chỗ đứng trong thời gian tới.
Ông Matthew Carl Beckwith, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Mahyco Việt Nam, đơn vị vừa ký HĐ chuyển nhượng giống ngô lai M 9388 với NMRI cho biết: Là một DN có bề dày gần 30 năm trong lĩnh vực giống cây trồng tại Ấn Độ, không phải dĩ nhiên Mahyco hợp tác với NMRI, mà đây là chiến lược dài hơi của Cty trong lĩnh vực giống ngô tại Việt Nam.
“Đã đến lúc chúng tôi nhận thấy không thể đơn phương một mình, mà cần phải hợp tác với các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam. Trong đó Viện Nghiên cứu ngô là một đơn vị có tiềm năng thế mạnh chiến lược” – ông Matthew Carl Beckwith tiết lộ.
Đối với các giống ngô lai, TS Bùi Mạnh Cường cho biết, chủ trương của NMRI thời gian tới sẽ không chạy theo nghiên cứu về năng suất, mà sẽ tập trung cho việc ra đời các giống ngô có khả năng chống chịu, nhất là trong bối cảnh khí hậu ngày càng thất thường, khắc nghiệt.”
Ông Nguyễn Đức Trường, GĐ Cty CP Đại Thành (Bắc Ninh), một đơn vị có bề dày hợp tác với NMRI đánh giá: Khi ngô biến đổi gen được tung vào thị trường Việt Nam, một số ý kiến rất quan ngại, nhưng bằng chứng thời gian qua cho thấy tốc độ mở rộng các giống ngô biến đổi gen không phải quá ồ ạt, và các giống ngô nội vẫn có thể đứng vững, nhất là các dòng ngô làm thực phẩm và cây thức ăn gia súc.
“Hiện tại, Cty chúng tôi đã ký được HĐ cung ứng ngô để chế biến thực phẩm cho một số Cty lớn. Họ yêu cầu nguyên liệu phải là các giống ngô không phải là ngô biến đổi gen. Vì vậy bên cạnh khả năng chống chịu tốt, năng suất ổn định, các giống ngô nội địa của NMRI đang có cơ hội tốt” – ông Thành tiết lộ.
Ông Vũ Xuân Long, GĐ Cty CP Giống cây trồng Nha Hố cho biết thêm: Thời gian qua, một số đối tác là các Cty chăn nuôi lớn tại Hà Lan, Úc… đã có hợp tác với Cty CP Giống cây trồng Nha Hố và đã đặt hàng SX với lượng lớn ngô ủ chua phục vụ chăn nuôi bò sữa để XK sang Úc, Hà Lan. Qua phân tích, các đối tác phía Hà Lan đánh giá, hàm lượng dinh dưỡng của một số giống ngô của Việt Nam do NMRI chọn tạo có hàm lượng dinh dưỡng vào loại cao nhất hiện nay, đặc biệt rất tốt cho chăn nuôi bò sữa.
“Một trong những yêu cầu của các đối tác này, đó là hồ sơ các giống ngô ủ chua để XK sang họ phải là NON-GMO (không biến đổi gen). Vì vậy song song với việc chúng ta phải NK ngô GMO của nước ngoài về để SX thức ăn chăn nuôi, có thể nói chúng ta cũng đang có triển vọng lớn để XK ngược ngô làm thức ăn gia súc sang các nước, mà các giống ngô nội địa do NMRI nghiên cứu là rất tiềm năng” – ông Long cho biết.
Hiện nay, Bộ NN-PTNT mới chỉ công nhận giống đối với các giống ngô lai F1. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh, nhất là với cơ chế tự chủ tài chính của các viện nghiên cứu, phải thấy rằng các dòng ngô thuần mà NMRI đang có là rất giá trị. Vì vậy thời gian tới, cần phải sớm có cả cơ chế pháp lí để công nhận giống đối với cả các dòng thuần để tránh những tranh chấp, rủi ro trong quản lí giống. Đặt giả thiết tới đây, rất có thể các viện nghiên cứu rồi sẽ phải tiến tới cổ phần hóa. Ngoài khối tài sản cố định, thì nguồn giống dòng thuần mà các viện nắm giữ mới là tài sản lớn nhất. Nếu không có cơ chế công nhận bản quyền dòng thuần, sẽ sinh rất lắm chuyện. Bởi các viện nói chúng tôi có mấy chục dòng thuần trị giá hàng chục tỉ đồng, trong khi cơ quan nhà nước nói chẳng có bằng chứng pháp lý nào công nhận điều đó, vậy sẽ xử lí ra sao?