Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình Quốc hội Dự thảo Luật Trồng trọt

Thứ ba - 22/05/2018 10:26
Ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường trình xin ý kiến Quốc hội về dự thảo Luật Trồng trọt
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều gồm: Chương I: Quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Chương II: Giống cây trồng, gồm 6 mục 37 điều, từ Điều 9 đến Điều 45. Chương III: Phân bón, gồm 5 mục 18 điều, từ Điều 46 đến Điều 63. Chương IV: Canh tác, gồm 2 mục 9 điều, từ Điều 64 đến Điều 72. Chương V: Thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt, gồm 5 điều từ Điều 73 đến Điều 77. Chương VI: Quản lý nhà nước về trồng trọt, gồm 3 điều, từ Điều 78 đến Điều 80. Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, từ Điều 81 đến Điều 82.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, Dự thảo luật được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và luật hóa những nội dung chưa được quy định hoặc quy định chưa phù hợp tại các văn bản luật, văn bản dưới luật để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực trồng trọt, cụ thể:

Bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.

Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới bao gồm: Chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt; Phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm, xây dựng ngân hàng gen cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý; giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh; từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc cấp phép sang hậu kiểm đối với các hoạt động có thể hậu kiểm thuận lợi; xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp với các Luật hiện hành.

Luật hóa các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ hơn đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).

Luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.

Bổ sung các quy định về bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.

 

Ủy ban KH-CN&MT cơ bản tán thành với các quy định đổi mới của Dự thảo Luật Trồng trọt để phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động trồng trọt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, dự thảo Luật có tính khả thi tương đối cao. Ủy ban KH-CN&MT nhận thấy, về cơ bản các quy định trong Dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định trong Dự thảo Luật hoặc giải trình rõ một số nội dung như: (1) Lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; (2) Việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt; (3) Cụ thể hóa tối đa nhiều điều, khoản trong Dự thảo Luật còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT hoặc Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành (tại 58 điều, khoản) để khi Luật được ban hành thì có thể thực thi được ngay.

Kiên Cường
Theo Báo Nông nghiệp VN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây